OSensei Ngo Dong's biography and the development of Cuong Nhu in Vietnamese language. Written by Lap T. Hoang, 2015.
Tôi hân hạnh chia sẻ với các anh chị và các bạn bài viết về anh Ngô Đồng, một người anh mà tôi rất quý mến. Tôi học võ với anh từ khi hai anh em gặp nhau ở đại học University of Florida năm 1971. Ngoài võ thuật ra, tôi học được nhiều thứ khác từ anh như cách sống hoà đồng, thuật ăn nói trước đám đông, phương pháp dạy võ, v.v... Anh Đồng là người tài hoa, có nhân cách lớn, đã đóng góp rất nhiều trong việc giáo dục rất nhiều thế hệ ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Vì không kèm được hình vào bài viết nên tôi để hình ảnh riêng, với vài lời chú thích cho mỗi tấm hình. Cám ơn anh Trương Đình Tín đã chỉnh sửa bài này. Bài viết năm 2015.
================================================
Võ Sư NGÔ ĐỒNG,
Người Sáng Lập Môn Phái Cương Nhu Karate
PHẦN I - Những tháng năm ở Hà Nội (1937 - 1954)
Ông Ngô Đồng sinh ngày 04 tháng 10 năm 1937 tại Hà Nội, Việt Nam trong một gia đình khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Ngô Khánh Thực, thân mẫu là bà Phạm Ngọc Vinh. Cụ ông tính tình thẳng thắn, sau khi làm ở các tỉnh thì thuyên chuyển về Hà Nội làm trong ngành Tư Pháp. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Cụ cùng gia đình di cư vào Nam. Khi gia đình sống tại Huế, thân phụ ông tiếp tục làm trong ngành Tư Pháp cho đến khi mất tại Huế năm 1967. Trước đó mấy năm, vào năm 1960, thân mẫu ông qua đời tại Huế.
Ông là người con út trong một gia đình có sáu người con trai. Điểm đặc biệt là cả nhà ông đều mê tập võ thuật, vì thế sau nhà ông ở có một sân dành riêng để tập võ. Còn trong nhà thì có nơi giăng dây để dùng cho việc đấu quyền Anh. Hai người anh lớn đều thuộc nhóm võ sinh đầu tiên của Võ sư Nguyễn Lộc, vị Tổ sư sáng lập môn võ Vovinam (sau đổi tên là Việt Võ Đạo). Ông cũng là người theo học môn võ Vovinam, nhưng không học với hai người anh ruột mà lại học với người bạn của ông anh thứ hai. Ông Ngô Đồng đã nói với tôi rằng đã là anh em thì trong võ thuật khó dạy cho nhau lắm! Cho nên, ông và người anh kế (Võ sư Ngô Quyền) mới theo học võ với Võ sư Phan Dương Bình, người học trò thứ 5 của Tổ sư Nguyễn Lộc. Ông cho biết, Vovinam vào những ngày đó chưa có võ phục như bây giờ, các võ sinh khi tập luyện chỉ mặc áo "may-ô" và quần đùi. Cũng chưa có sân tập hẳn hoi. Các võ sinh vật nhau té hay nhào lộn đều trên sân cỏ chẳng có nệm "tapi" như các võ đường sau này. Học xong phần trung cấp với Võ Sư Bình (tương đương với đai "nâu" bây giờ), thì đất nước bị chia cắt. Võ sư Bình ở lại miền Bắc và sau này trở thành một Võ sư danh tiếng, có rất nhiều học trò tên tuổi trong làng võ thuật. Còn ông và gia đình di cư vào Nam. Gia đình ông như đã nói, định cư tại Huế, vì thân phụ ông đang làm việc tại đây.
Ông cho biết trong thời gian ở Hà Nội, ngoài việc tập Vovinam, ông còn theo học môn võ Vĩnh Xuân (còn gọi là Vịnh Xuân) với một người thầy Tàu tên là Tế Công cùng với các anh. Tế Công là một võ sư chuyên nghiệp, trước đây ông làm nghề bảo tiêu ở Vân Nam, vì vướng tội nên đã trốn qua miền bắc Việt Nam. Thân phụ của ông lúc đó làm Chưởng Lý Toà Án, thấy Tế Công là người có tài nên thương tình, giảm tội cho. Để đền ơn, ông Tế Công xin được dạy cho các con của cụ cùng người cháu là ông Ngô Sĩ Quý môn võ Vĩnh Xuân này. Tuy được chân truyền môn võ Vĩnh Xuân, nhưng vì tuổi còn trẻ, lại thiếu hiểu biết về cái hay của loại Nhu quyền, nên ông không thích lắm, do thế ông thiếu chuyên cần trong việc tập luyện. Chính ông cũng công nhận rằng mãi về sau này ông vẫn chuyên luyện và thích tập môn Karate, cũng là một môn võ thiên về Cương. Mãi khi có cơ duyên tập về Judo và Aikido, ông mới bắt đầu cảm nhận được cái hay của môn võ thuộc Nhu này. Và cũng từ đó, ông suy nghĩ và phối hợp nhiều môn võ mình đã học, rồi khi mở võ đường, ông quyết định đặt tên trường là Cương Nhu.
Theo lời ông kể, lúc nhỏ ông rất nóng tính và rất "du côn ". Ông vốn rất ghét tụi du đãng ở Hà Nội lúc bấy giờ, nên thường hay gây sự để đánh nhau với chúng, đuổi chúng qua các phố khác. Ông cùng người anh kế là Ngô Quyền thường hay hẹn nhau để so tài, đánh nhau với nhóm du đãng Hà Nội. Trước khi lâm trận, bọn ông thường chuẩn bị bằng cách nhét tờ báo Life vào trong áo (báo Life xuất bản ở Mỹ, lưu truyền rộng ở đây trong những năm này, báo này trang lớn và rất dày).
Vào khoảng năm 1952, hay 1953, (cả ông và ông Quyền đều không nhớ rõ, ông chỉ nhớ độ khoảng một, hai năm trước khi di cư vào Nam), lúc đang ở nhà thì nghe tiếng gõ cửa, ông Quyền chạy ra mở, thì bị một tên du đãng đâm ngay một dao vào bụng rồi bỏ chạy. Vết thương nặng, nhưng may là không nguy hiểm lắm, và cũng mấy tháng sau ông Quyền mới bình phục. Vì vết thương ở bụng nên ông Quyền sau này không còn tập Vovinam được nữa. Về sau ông Quyền chuyên về Aikido và Thái Cực Quyền và trở thành võ sư của võ đường Tenshinkai Aikido ở Saigon.
Ông Đồng còn cho tôi biết, lúc nhỏ khi gây sự đánh nhau với nhóm du đãng Hà Nội, ông cứ nghĩ rằng mình là một "good guy" (người tốt), còn đối thủ của mình là "bad guy" (người xấu). Ông cứ tưởng rằng làm như vậy (đánh bọn du đãng) là giúp xã hội bớt đi một tệ nạn. Không ngờ làm vậy mình đã trở thành "du đãng lúc nào không hay".
Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.
PHẦN 2 VÀ 3 - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CƯƠNG NHU KARATE Ở HUẾ VÀ HẢI NGOẠI
Vào đầu năm 1971, lúc bấy giờ Ông đang giảng dạy tại Đại Học Huế, vì có những thành tích xuất sắc trong việc giảng dạy và nghiên cứu, ông được cơ quan USAID của Hoa Kỳ cấp học bổng để tiếp tục hoàn thiện chương trình Tiến sĩ (PhD) ở Hoa Kỳ về ngành Côn Trùng Học (Entomology), một môn học tương đối mới lạ đối với sinh viên Việt Nam lúc bấy giờ. Đến Hoa kỳ, mấy tháng đầu ông chuyên học thêm về môn Anh văn, để có thể tiếp thu tốt những kiến thức về môn mình đang theo học. Tháng 3 năm 1971, ông nhập học trường đại học University of Florida, khóa mùa Xuân.
Thầy Ngô Đồng, Gainesville, Florida 1973
Vừa theo học chương trình Tiến Sĩ nhưng Ông Ngô Đồng cũng muốn đem sở học của mình về võ thuật để, một là truyền dạy cho các sinh viên đang theo học tại đây, hai là muốn cho các sinh viên nước ngoài biết thêm về môn võ Cương Nhu Karate do một người Việt Nam huấn luyện, vì thế, ông gấp rút chuẩn bị để mở khóa huấn luyện võ thuật tại đây.
Lớp võ Cương Nhu Karate được bắt đầu vào khóa Mùa Thu (tháng 9 năm 1971), trong khuôn viên của trường đại học University of Florida (UF) thuộc thành phố Gainesville, tiểu bang Florida. Võ đường là nhà ăn của sinh viên vì lúc đó ông đang ở tại Cư Xá Sinh viên Beaty Towers, nên tạm thời mượn nhà ăn này để làm chỗ tập luyện. Lớp võ này mỗi tuần chỉ được hai tối, mỗi tối võ sinh tập trong một giờ rưỡi. Vì võ đường hiện là nhà ăn của sinh viên nên buổi tập bắt đầu khá trễ, khoảng 8 giờ tối. Sau khi sinh viên ăn tối xong, nhà ăn “cafeteria" đóng cửa, lúc đó chúng tôi mới dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế vào một góc. Để làm được điều đó, thường thì phải đến sớm trước vài ba phút để sắp xếp. Sau khi tập xong lại đưa bàn ghế về lại vị trí như cũ.
Ảnh chụp ở picnic Cuong Nhu, khoảng 1973.
Anh hay hát bài Nhặt Cánh Sao Rơi của Vũ Thành.
Lớp võ đầu tiên nầy có khoảng chừng trên dưới hai mươi võ sinh (xem hình đính kèm). Võ sinh phần lớn là những sinh viên cùng học lớp chuyên ngành với ông. Trong số các võ sinh này có 2 giáo sư trong chuyên khoa của ông theo học. Đó là giáo sư Harvey Cromroy và giáo sư Freddie Johnson. Cả khóa chỉ có một võ sinh nữ duy nhất là cô Mary Davis, cô này lúc bấy giờ là Thư ký của Khoa đồng thời cũng là sinh viên đại học. Sau này khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc tại Atlanta và trở thành một trong những rường cột của môn võ Cương Nhu. Lớp này chỉ có hai người Việt theo học là ông Hoàng Thống Lập và ông Lê Trọng Hiếu, là những sinh viên từ Huế sang du học ở UF. Đặc biệt trong lớp võ đầu tiên này có một thiếu nhi mới mười hai tuổi tên là Allen Johnson con của giáo sư Freddie Johnson. Cả hai cha con giáo sư này đều lên đai đen vào năm 1974. Lớp lấy tên là Cương Nhu Karate Club, theo luật lệ của trường, Dr. Harvey Cromroy làm Giáo sư Cố vấn và đứng tên bảo trợ cho hội.
Sau hai lớp đầu tập ở Cư xá sinh viên Beaty Towers của trường, số võ sinh đã tăng lên trên năm mươi người. Vì số võ sinh đông nên lớp võ này quyết định dời đến sân vận động của trường, lúc đó gọi là Florida Gym. Florida Gym là tòa nhà chính của phân khoa thể thao, thể dục, tọa lạc bên cạnh sân Football Field (sân banh bầu dục) rất lớn của trường. Nói thêm một chút về Florida Gym. Lầu trên Florida Gym là sân bóng rổ, bóng chuyền, vũ cầu và các lớp học; tầng dưới là nơi tập tạ, phòng tắm cùng là nơi tập của các câu lạc bộ. Trước khi lớp Cương Nhu Karate dời vào đó thì ở đây trường cũng có các lớp Isshin Ryu Karate và Kenpo. Hồi đó trường chưa có các lớp dạy Judo, Aikido hay Tae Kwon Do. Tầng dưới Florida Gym rộng nên các lớp chia nhau góc này, góc kia riêng biệt nhưng các võ sinh đều đối xử với nhau thân mật, vui vẻ. Các club võ thuật trên lúc đó chỉ có khoảng chừng hai chục người, riêng môn Kenpo chỉ có vài người thôi.
Lớp Cương Nhu Karate phát triển rất nhanh. Chỉ trong vòng hai năm (từ năm 1971 đến 1973), club này đã có nhiều người tham gia nhất của đại học UF. Võ sinh của club này có đến mấy trăm người, một việc rất hiếm cho các club thời đó. Theo hồ sơ được ghi nhận thì vào tháng 8 năm 1975 có đến 500 võ sinh đã theo học.
Sự kiện này đã làm cho các nhà báo của trường cũng như của thành phố ngạc nhiên và phỏng vấn ông Ngô Đồng về bí quyết thành công của Cương Nhu Karate ở Gainesville. Một tờ báo lớn có tầm cỡ quốc tế vào thời đó là tờ Karate Illustrated đã đăng vào năm 1973 một bài rất chi tiết nhan đề là “Vietnamese Self Defense Hits The Astroturf” (Tự vệ Việt Nam trên sân cỏ Mỹ). Theo bài báo này, Ông Ngô Đồng cho biết Cương Nhu Karate bắt đầu từ Huế. Ông nói rằng lúc thiếu thời ông học Vovinam, Vịnh Xuân và tập boxing ở Hà Nội (xem chi tiết phần 1). Năm 1954, ông theo gia đình vào Huế, học trung học ở trường Quốc Học năm 1956. Sau khi thi đỗ Tú tài thì ông học môn Sinh Vật tại Đại học Huế. Sau bốn năm miệt mài ông tốt nghiệp Cử Nhân và được trường giữ lại làm Giảng nghiệm viên. Khoảng mấy năm sau, khi võ sư Choji Suzuki mở võ đường dạy môn Karate ở Huế thì ông là một trong những người học trò đầu tiên của vị Võ sư này. Võ sư Choji Suzuki là một sĩ quan Nhật, sau thế chiến thứ hai thì ở lại Việt Nam để dạy các môn võ Jujitsu và Karate. Nhờ có năng khiếu, lại có luyện Vovinam trước đây nên ông đã tiến rất nhanh trong môn Karate. Ông nói rằng, mặc dầu trước đây ông có học võ Vịnh Xuân với hai người anh nhưng cho biết ông không thích các môn võ chuyên về “nhu” này lắm, vì theo ông, không thấy môn võ nầy có lợi ích trong việc đánh nhau thật sự. Còn môn Karate thì “cương mãnh” học rất mau tiến và nhất là thực dụng. Trong một cuộc phỏng vấn ông đã trả lời với báo chí rằng: “Lúc nhỏ tôi chỉ hiểu công dụng của đấm đá mà thôi chứ không hiểu được điều ảo diệu của các môn võ “Nhu”. Ông đam mê Karate, say mê tập luyện, mỗi tuần ông tập năm buổi, ông là một trong những võ sinh nhận đai đen đầu tiên của Võ sư Choji Suzuki. Sau thời gian tập luyện, ông còn giúp Võ sư Choji Suzuki trong việc dạy võ cho các võ sinh mới. Sau khi lên đai nâu, ông trở thành phụ tá cho Võ sư, giúp Thầy trong việc dạy cho các võ sinh đàn em.
Cũng nói thêm rằng, sau nhiều năm luyện tập Karate với Võ sư Suzuki, ông lại may mắn có cơ duyên học thêm môn Aikido với ông Ernie Cates, lúc đó là Sĩ Quan của quân đội Hoa Kỳ, ở Việt Nam từ 1964 đến 1967. Ông Cates là một trong những người Mỹ đầu tiên được huấn luyện Nhu Đạo ở võ đường Judo Kodokan, và khi còn ở Nhật, ông còn có dịp học thêm môn Aikido với nhiều võ sư cao cấp nhất, và vô địch ở Mỹ trong hạng nhẹ, đại diện nước Mỹ để đấu trong Thế Vận Hội Đông Kinh 1964. Ông Đồng cũng đã trả lời với báo chí rằng: “Từ khi tập thêm Aikido với ông Cates, tôi bắt đầu hiểu công dụng của “Nhu”, và cảm thấy quá trình tập luyện của mình trong Karate chưa đủ. Karate không chú trọng nhiều về phần tâm linh và luyện “Khí” mà tôi tìm thấy trong Aikido. Aikido có nhiều ứng dụng giúp cho những con người nhỏ con có thể đối phó với sức mạnh của người lớn con hơn, mạnh bạo hơn”.
Một trong những điều mà Võ sư Ngô Đồng băn khoăn là mục đích của võ thuật là gì. Ông nghĩ rằng mục đích của võ thuật hướng tới phải cao hơn, lợi ích hơn cho cuộc sống thường nhật hơn là chỉ chuyên đến việc đánh đấm cũng như như dùng nó để tự vệ. Trong một bài phỏng vấn khác ông đã nói tiếp: “Đá vỡ bốn tấm gỗ hay chặt bể năm viên gạch, là để làm gì? Nếu chỉ tập đấm đá không thôi thì cả đời nhiều lúc cũng không có cơ hội để sử dụng”. Ông băn khoăn: “Mục đích của võ thuật là gì? Không lẽ học võ thuật là chỉ để biết thế này thôi à? Tôi nghĩ học võ thuật trước nhất là dùng nó để phát triển lòng can đảm, lòng tự trọng, tự tin cũng như tự chế ngự thân tâm và phải luôn luôn khiêm nhường”. Ông nói tiếp: “Sức mạnh về thể lực rồi ngày cũng yếu đi theo tuổi tác và thời gian, làm gì có sự vĩnh cửu về nó, nhưng đạo đức, sức mạnh về tinh thần sẽ tồn tại mãi mãi”.
Ông có cảm nhận rằng cần phải tổng hợp thể lực và tinh thần vào một môn võ để nó trở thành một phương tiện trong đời sống hằng ngày. Chính vì suy nghĩ như thế nên ông không bỏ Karate, mà làm một cuộc tổng hợp Karate. Ông thêm môn Judo, Aikido và một một số các môn võ mà ông đã học trước đây để sáng lập ra môn Cương Nhu vào năm 1965. Lớp võ đầu tiên được mở ra ở Đại Học Huế vào tháng 8 năm 1965, và chỉ vài năm sau môn võ mới nầy đã có hàng trăm võ sinh theo học. Và, Cương Nhu Karate đã trở thành môn võ có đông học sinh nhất ở Huế thời đó.
Trong những năm chiến tranh, nhiều võ sinh tìm đến môn Cương Nhu Karate không đơn thuần chỉ vì yêu võ thuật mà còn xem đây như là một món ăn tinh thần để điều hòa cuộc sống của mình. Có thể nói rằng môn Cương Nhu phát triển rất nhanh ở Huế. Các nguyên tắc và tinh thần võ đạo Cương Nhu đã trở nên những phương tiện giúp võ sinh vượt qua được những khó khăn trong đời sống thường nhật để tự điều chỉnh thân tâm mình, giúp mình tự tin, và nhất là nhìn đời một cách lạc quan hơn.
Với triết lý âm dương hòa hợp, bằng vào phương pháp tự vệ khoa học và độc đáo của môn võ này, bằng vào việc nâng cao thể lực và trí dục trong cách huấn luyện nên đã có rất nhiều người theo học môn Cương Nhu Karate ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, những người học môn võ này cho biết lý do chính mà nhiều người theo học môn võ này, ngoài những ưu điểm của nó thì sỡ dĩ môn võ này phát triển rộng khắp, một phần lớn là chính do người Thầy đã dạy họ, ông Ngô Đồng.
Theo ông Cochran, một võ sinh theo học với võ sư Ngô Đồng, khi được phỏng vấn đã trả lời với báo chí đại ý như sau: “Tôi nghĩ rằng, ai đã học với Thầy (Ngô Đồng) đều phải đồng ý với tôi rằng khó mà tìm đâu ra được một người Thầy dạy hay như thế. Ông quả là người rất hiếm có. Ông có một phương pháp dạy tuyệt vời thích hợp cả với người muốn chuyên về thể dục cũng như những người đang đi tìm một triết lý sống cho chính mình. Tuy triết lý võ học cũng như tài năng võ thuật cao siêu của Ông khiến nhiều người muốn theo học, nhưng theo tôi, lý do chính mà họ kiên trì tập luyện môn võ Cương Nhu này vì Ông là một nhà giáo tuyệt vời”.
Trong nhiều năm huấn luyện môn Cương Nhu ở Mỹ, ông vẫn luôn băn khoăn và chia sẻ với mọi người câu hỏi luôn hiện ra trong tâm trí ông: “Làm thế nào để môn Cương Nhu này vẫn tiếp tục đứng vững và phát triển trên đất Mỹ sau khi ông trở về nước khi đã hoàn thành việc học tập của mình?” Như một cơ duyên, là trong các lớp đầu tiên tại đây, có nhiều người rất giỏi trong việc tổ chức và đã giúp ông nhiệt tình trong việc tổ chức hành chánh cho Cương Nhu lúc khởi đầu, lập cơ sở vững chắc cho sự trường tồn của nó.
Mùa xuân năm 1973, Hội Cương Nhu Karate Association (CNKA) trở thành hội chính thức. Hội được tiểu bang Florida công nhận. Hội hoàn toàn độc lập, không trực thuộc trường UF hay hội nào khác. CNKA có thể nhận dạy võ sinh, không hạn chế phải là sinh viên hay giáo chức của trường như trước. CNKA có luật lệ (by-laws) riêng, thường được tổ chức bầu cử hằng năm, có Ban Giám đốc do hội bầu ra. Vị Chủ tịch được mọi người bầu lên đầu tiên là ông Mike Cochran, thứ hai là ông Ted Srygley. Mike và Ted lúc đó đã gần bốn mươi tuổi. Ông Mike có công ty riêng, còn Ông Ted lúc đó là Giám đốc Thư viện của trường Y, Nha và Dược. Cả hai ông đều rất giỏi, bình dị, chín chắn, giao thiệp rộng, hòa đồng và có khả năng lãnh đạo rất cao. Hai vị này cùng với hai giáo sư Harvey Cromroy và Fredie Johnson, lúc đó là Cố vấn của Cương Nhu Karate Club, có công rất lớn trong việc phát triển CN vào các năm đầu.
Về việc học, ông Ngô Đồng có một trí nhớ tuyệt vời, ông học rất giỏi, nên chỉ sau 3 năm ông trình luận án hoàn tất bằng Tiến sĩ (PhD) vào tháng 6 năm 1974. Biết thì giờ mình ở Hoa Kỳ không còn nhiều, nên trong năm cuối, ông đã ra sức huấn luyện cho võ sinh hai lớp đầu tiên. Tháng 11 năm 1973, ba võ sinh xuất sắc nhất của lớp là Hoàng Thống Lập, Phil Morgan và John Benson được chọn thi lên đai đen. Kỳ thi đó gồm có công phá, mỗi người đánh hay đá hay chặt bể gỗ trong 4 hướng, mỗi hướng là ba tấm gỗ. Kế tiếp mỗi thí sinh đi quyền, song đấu với đồng môn, biểu diễn các thế tự vệ, và nói chuyện 10 phút trước mọi người. Trên ba trăm người đã tham dự kỳ thi đai đen đầu tiên được tổ chức ở Gainesville, Florida. Ngoài võ sinh các lớp, ông còn cho mời thêm nhiều người nữa để chứng kiến sự trưởng thành của môn phái. Cả ba thí sinh nói trên hôm đó đều vượt tiêu chuẩn và được phong lên đai đen ngay sau khi thi.
Vài hôm sau, ngày 02 tháng 12 năm 1973, trong lớp học, ông đặc biệt trao bằng Huyền Đai Đệ Nhất Đẳng cho ông Hoàng Thống Lập. Ông Lập là người đầu tiên được lên đai đen và được cấp bằng Huyền Đai Đệ Nhất đẳng Cương Nhu Karate ở hải ngoại. Mấy tháng sau đó các võ sinh khác cũng được thi lên đai đen. Đến tháng 6 năm 1974, khi Ông Ngô Đồng rời Florida về nước thì Cương Nhu ở Mỹ đã có tổng cộng 12 đai đen.
Khoảng một tháng trước khi Ông về nước, Ông đã họp các võ sinh đai đen và đai nâu lại, khoảng chừng 35 người, và nói về mong ước của Ông là làm sao để Cương Nhu có thể tồn tại và phát triển ở Mỹ. Ông nói rằng môn phái cần phải có một người lãnh đạo Cương Nhu Karate ở Mỹ sau này. Người này sẽ được gọi là Chief Instructor (Võ Sư Trưởng tràng), làm chủ tịch “Black Belt Committee”, một Uỷ ban các huyền đai. Chief Instructor và Ủy ban năm người sẽ chấm thi và có quyền phong các võ sinh khác lên huyền đai. Ông muốn mọi người được quyền bầu chọn Chief Instructor nên đã trao cho mỗi người một tấm giấy nhỏ để họ điền tên người mà họ thấy xứng đáng trong chức vụ lãnh đạo này. Khi đếm phiếu thì ông Hoàng Thống Lập được đa số tuyệt đối bầu chọn. Lúc đó, ông Lập 24 tuổi, đang học cao học Kỹ Sư ở UF. Ông Lập đã chính thức giữ chức Chief Instructor từ tháng 6 năm 1974 cho đến tháng 11 năm 1977, lúc Võ Sư Ngô Đồng trở lại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ.
Chỉ vỏn vẹn có ba năm ở hải ngoại, Ông đã dạy trên mấy trăm võ sinh, trong đó có mười hai người lên huyền đai, đặt nền tảng cho sự trường tồn của Cương Nhu Karate ở hải ngoại với một tổ chức hành chánh chặt chẽ cùng với một tập thể võ sinh có võ đạo và võ thuật vững vàng, nhiệt tâm, hết lòng trong việc phát triển môn phái sau này.
PHẦN 4 - CƯƠNG NHU KARATE, GIAI ĐOẠN 1974 – 1977
Trong khoảng thời gian này, Cương Nhu phát triển rất nhanh trong tiểu bang Florida. Các võ sư huyền đai chia nhau dạy các lớp võ trong các trường đại học. Đến cuối năm 1975 CNKA và các võ sư đã thuê một phòng tập lớn ở phố chính để dời trung tâm từ các trường Đại học ra thành phố, mở thêm nhiều lớp, dạy cả người lớn lẫn trẻ em. Trung tâm ở địa chỉ 809 W. University Ave., Gainesville, Florida (cho đến nay, 2015 vẫn còn hoạt động). Trung tâm lúc đó có tên là Cương Nhu Karate Center. Theo tờ nội san cũ thì đến tháng 8 năm 1975, số võ sinh theo học là 500 người.
Nhiều võ sư bắt đầu tốt nghiệp đại học hay hoàn tất chương trình Tiến sĩ, rồi theo công việc đi các nơi khác để lập nghiệp. Ở Gainesville vào lúc đó có võ đường Dragon Gate (Long Môn) của hai Võ sư John Kay và John Benson. Võ Sư Hoàng Thống Lập mở võ đường Phoenix Center (Phượng Hoàng) ở Tallahassee và dạy ở Florida State University. Võ sư Eddie Wacks và Mike Arnspiger mở các võ đường ở Miami. Những võ đường này tuy ở xa trung tâm nhưng đều hổ trợ cho hội Cương Nhu Karate Asociation bằng cách đóng niên liễm và lệ phí thi lên đai.
Sau khi Ông Ngô Đồng tốt nghiệp PhD ở đại học University of Florida và trở về Huế vào tháng 6 năm 1974, Ông tiếp tục làm việc ở Viện Đại Học Huế nhưng chỉ hơn tháng sau, Hội Đồng Nhân Sĩ Quảng Nam Đà Nẵng đã đến tận nhà và mời Ông vào chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Quảng Đà, một trường đại học sắp thành lập. Ông nhận lời và cùng gia đình dời vào Đà Nẵng. Mùa thu năm 1974, Ông bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Viện Trưởng. Mấy tháng đầu tiên, Ông bắt đầu đặt nền móng cho sự phát triển của trường đại học mới và đầy tiềm năng ở một nơi rất xem trọng việc học. Ông hăng say trong nhiệm vụ của một nhà giáo, làm việc quên ăn quên ngủ trong niềm hạnh phúc và vui mừng khi nghĩ rằng việc làm của mình sẽ ảnh hưởng tốt đến nhiều thế hệ trẻ sau này. Tiếc thay, Ông chỉ ở trong chức vụ đó cho đến tháng 3 năm 1975. Cùng với sự đổi thay của đất nước, phận người theo vận nước, gia đình ông phiêu bạt vào Saigon. Tháng 6 năm 1977, Ông cùng gia đình vượt biên và sau mấy ngày lênh đênh vô định trên biển cả, sau khi đã hết thức ăn, nước uống và nhiên liệu, sau khi vô số thuyền lớn đi qua mà không cứu thì may thay, một thuyền của người Indonesia đã cứu nạn cho gia đình ông và hơn ba mươi người khác cùng đi trên chiếc thuyền bé nhỏ. Tháng 11 năm 1977, Ông Ngô Đồng và gia đình từ trại tỵ nạn ở Indonesia được đến định cư ở Mỹ và trở lại thành phố Gainesville trong sự vui mừng của bạn học và học trò võ của Ông.
PHẦN 5 - CƯƠNG NHU - GIAI ĐOẠN 1977-2000
Ông Ngô Đồng trở lại Mỹ vào tháng 11 năm 1977, cùng với vợ, Bà Tôn Nữ Thanh Châu, và bốn người con Ngô Bảo, Ngô Quỳnh, Ngô Anh và Ngô Anh Thư. Ngày ông trở lại cũng là ngày “Homecoming Day’ của trường Đại học, ngày lễ hằng năm của trường. Học trò Ông đã thuê nhà, trang bị bếp núc, trả tiền nhà trước một năm. Ông tiếp tục công việc nghiên cứu về bộ môn Côn Trùng Học (Entomology) ở phân khoa Entomology của trường đại học Florida. Bà thì dạy chương trình song ngữ đặc biệt trong các trường trung học, còn bốn người con thì vào các lớp tiểu học và trung học.
Ngoài công việc nghiên cứu ở Phòng Thí nghiệm, ông dành thì giờ để dạy võ cũng như quản trị luôn Cương Nhu Karate Center. Trung tâm này chia ra dạy rất nhiều lớp. Các võ sư lớp đầu tiên, nay đã có thêm các học trò, có nhiều kinh nghiệm, môn Cương Nhu Karate đã phát triển nhanh trên toàn nước Mỹ, số võ sinh đóng niên liễm lúc đó lên đến hai nghìn người.
Hoàng Thống Lập, ảnh 1978
Năm 1984-1985, Ông đổi tên Cương Nhu Karate thành Cương Nhu Oriental Martial Arts và hướng mục đích của Cương Nhu từ Võ thuật đến Dưỡng sinh. Ông cũng đổi tên Cương Nhu Karate Center (Trung Tâm Cương Nhu Karate) thành Cương Nhu Health Center (Trung Tâm Sức Khoẻ Cương Nhu).
Cũng trong khoảng thời gian này, Ông chú tâm chuyên luyện về Nhu quyền và Khí Công. Với sự trợ giúp của các võ sư cao đẳng, Ông đem chương trình Nhu thêm vào chương trình huấn luyện của các lớp trên huyền đai.
Ông đam mê luyện Nhu quyền, và đến khi gần 50 tuổi, Ông đột nhiên khám phá mình có năng khiếu bẩm sinh về chạy. Lần đầu tiên Ông chạy hơn 8 km mà không thấy mệt. Trong mấy tháng liền Ông ghi tên tham gia chạy đua các cự ly 5, 8, 10, 12 km. Và chỉ trong vòng 9 tháng sau, Ông đã hoàn tất thêm 2 kỳ nửa marathon (21.1 km) và hai kỳ marathon (42.2 km). Ngày 04 tháng 1 năm 1986, Ông hoàn tất marathon ở Jacksonville, Florida trong vòng 3 giờ 41 phút 07 giây và thấy trong người không một chút mệt mỏi nào nên một tuần sau đó, vào ngày 11 tháng 1, Ông chạy luôn giải marathon ở Ormond Beach, Florida và hoàn tất trong 3 giờ 45 phút 11 giây.
Trong vòng mấy năm sau đó, ông đã hoàn tất 23 marathons, 8 cuộc đua 50 dặm (80 km = ultra marathons) và 14 cuộc đua 100 dặm (160 km). Chạy 160 km không nghỉ, chỉ ngừng lại ở dọc đường để lấy bánh mì, nghĩa là vừa ăn vừa chạy.
Trong một bài viết về thú vui khi chạy, đăng trong nội san Cương Nhu, Ông đã viết: “Tôi chạy đường trường không phải là để tranh đua đoạt huy chương, hoặc cũng không phải để đạt được một mục đích cá nhân nào đó. Sở dĩ tôi tham gia các cuộc chạy đua vì trong khi chạy tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Khi chạy tôi cảm nhận tâm hồn mình tĩnh lặng, thấy mình được hoàn toàn tự do và nhất là tâm trí được an bình. Chạy đối với tôi cũng như Thiền, tôi an trú trong việc chạy, không bị áp lực từ ai cũng không thấy tự áp lực từ mình. Khi chạy tôi thấy hơi thở, hai chân, hông, vai, cổ và đất trời đều là một. Tôi cảm thấy mình như đang bay, bay như con diều lộng gió, tâm trí tôi bình an tuyệt diệu. Tôi hy vọng một ngày nào đó mình sẽ đạt được đến mức thinh không, khi đó, thân thể, khí lực, linh hồn tôi sẽ là một”.
Ảnh năm 1984, HTL lên đai đen đệ ngũ đẳng.
HTL và thầy Ngô Đồng. Ảnh chụp ở Atlanta, Georgia khoảng 1990, lúc đến đó để soạn lại chương trình Cương Nhu từ đai trắng đến ngũ đẳng.
Ngày 18 tháng 8 năm 1994, Ông nghỉ làm việc ở trường đại học để có thêm thì giờ dành cho môn Cương Nhu. Thành phố Gainesville đã lấy ngày 12/8/1994 làm ngày “Dr. Ngô Đồng Day”. Đây là ngày danh dự chỉ dành riêng cho những người đã có những đóng góp lớn cho thành phố.
Ảnh năm 1996, Thầy Ngô Đồng và năm người đầu tiên lên cấp võ sư, đai đen đệ lục đẳng. Từ trái sang phải, Hoàng Thống Lập, Mike Ponzio, thầy Ngô Đồng, Mary Davis (d), John Burns, Frank Van Nessen.
Sau khi vể hưu, sức khỏe và trí nhớ của Ông không còn tốt như trước. Sau các cuộc thử nghiệm, nhóm Bác sĩ ở San Francisco, California, đã xác nhận Ông có bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ).
Cũng từ đó, sức khỏe và trí nhớ của Ông ngày một sút dần. Ngày 15 tháng 5 năm 2000, tại tư gia ở Gainesville, Florida, Ông đã ra đi thanh thản về cõi vĩnh hằng trong sự thương tiếc của mọi người.
Ông Ngô Đồng là một con người tài hoa, có một nhân cách lớn, đã đóng góp rất nhiều trong việc giáo dục con người thông qua việc dạy võ cũng như cách sống, cách nhìn đời của mình. Thế hệ trẻ hải ngoại tìm thấy nơi Ông, ngoài việc Ông là một Võ sư xuất sắc trong suy nghĩ và hành động, mà còn học tập ở nơi Ông lòng nhiệt thành, sự dũng cảm nhưng vô cùng khiêm tốn, nói khác đi là một Người Thầy theo đúng nghĩa đích thực của nó. Ông mất đi khi mới 64 tuổi là một tổn thất lớn cho nền võ thuật Cương Nhu.
PHẦN 6 - CƯƠNG NHU TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY (2015)
Năm 1998, trong kỳ Trại Huấn Luyện ở San Diego, California, các Hội Viên Cương Nhu đã bầu Võ Sư Ngô Quỳnh, người con thứ hai của Ông Ngô Đồng, làm Chưởng Môn Cương Nhu Oriental Martial Arts. Võ sư Ngô Quỳnh năm nay (2015) đúng 51 tuổi.
Võ sư Ngô Quỳnh, Chưởng môn võ phái Cương Nhu từ năm 1998
Ông là người có năng khiếu trời sinh rất cao, lại tập võ từ khi còn nhỏ, nên khi qua đến Mỹ năm 11 tuổi cho đến khi tốt nghiệp đại học, Võ Sư Ngô Quỳnh đều được xếp hạng số 1 của tiểu bang Florida cho các kỳ đấu võ tự do, cả ba môn đấu, quyền (kata) và võ khí. Võ sư Ngô Quỳnh tốt nghiệp Cử nhân Xây dựng (Bachelor of Science in Building Construction) tại đại học University of North Florida. Sau khi tốt nghiệp, ông sáng lập công ty xây dựng, rất thành công ở thành phố Jacksonville, Florida. Năm 2012, Võ sư Quỳnh giao việc điều hành công ty lại cho các em là Ngô Anh và Ngô Anh Thư để chú tâm vào việc phát triển môn phái Cương Nhu. Ông bỏ nhiều thì giờ đến thăm, giảng dạy cũng như chấm thi các trường võ Cương Nhu của các tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Với phong cách lãnh đạo rất trung tín, chân thật và đầy yêu thương, Võ sư Chưởng Môn Ngô Quỳnh được tất cả mọi người trong và ngoài môn phái kính mến và yêu quý. Cùng với sự hổ trợ đắc lực của tất cả hội viên, Cương Nhu phát triển vững mạnh cho đến ngày hôm nay.
Trại Huấn Luyện Cương Nhu Quốc Tế Mỗi Năm (IATC – International Annual Training Camp), năm nay sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5, 2015 ở thành phố Raleigh, North Carolina, Hoa Kỳ. Dự định sẽ có hơn 500 người đến dự từ Huế, Việt Nam, Pháp, Đức, Venezuela, và nhiều võ đường trên khắp nước Mỹ, để kỷ niệm 50 năm thành lập môn phái Cương Nhu. Các trại huấn luyện Cương Nhu không những là nơi học hỏi cái mới mà còn là dịp để gặp mặt bạn bè cũ, ôm lấy nhau, tập luyện với nhau, hàn huyên chuyện xưa nay. Cương Nhu nay đã trở thành một đại gia đình, và các trại huấn luyện là nơi họp mặt (reunion) trong tình thương mến đó.
Môn phái Cương Nhu được tạo dựng bởi một nền móng vững chắc từ ngày thành lập năm mươi năm trước, dù đã trải qua bao nhiêu biến cố và thăng trầm của đất nước vẫn vững mạnh tại quốc nội cũng như hải ngoại và với quyết tâm của các thế hệ trước cũng như tài năng của các thế hệ trẻ kế tiếp sau nầy, chắc chắn sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai.
Ảnh với bốn người con của thầy Ngô Đồng, từ trái sang Ngô Bảo, Ngô Anh, Hoàng Thống Lập, Ngô Quỳnh, Ngô Anh-Thư, năm 2015 ở North Carolina.
Người viết bài: Hoàng Thống Lập
Hiệu đính: Trương Đình Tín
Tháng 5, năm 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét